Trang chủ Tin Tức Góc phụ huynh

Góc phụ huynh

Cha mẹ đóng vai trò quyết định trong điều trị trẻ VIP

📍Những dấu hiệu cảnh báo rối loạn phổ tự kỉ ở trẻ?
👉Những dấu hiệu báo động trẻ tự kỉ như: Dưới 1 tuổi, trẻ không chú ý âm thanh hay giọng nói của người chăm sóc, không hóng chuyện, không cười với người lớn, thích để ý chăm chú đến những đồ vật có tính kích thích lặp lại như quay tròn, thích nhìn các ngón tay, không giao tiếp bằng ánh mắt.
👉Trẻ hơn 1 tuổi không có phản ứng hoặc phản ứng rất kém khi được gọi tên, không biết chỉ trỏ thể hiện yêu cầu, không nhìn theo hướng chỉ. Trẻ không giao tiếp mắt một cách đầy đủ, chậm về ngôn ngữ, không biết gật, lắc đầu để thể hiện đồng ý hay không đồng ý, không biết khoe, không biết rủ người khác chơi cùng.
👉Trẻ có dấu hiệu tự kỉ thường có hành vi lặp đi lặp lại, hay đáp ứng quá mức hoặc dưới mức đối với các cảm giác như: thích chơi xoay với cái bánh xe, đẩy xe tới lui và nhìn chăm chú, thích sờ, thích gõ, thích ngửi, nhạy cảm thái quá, cho ăn gì cũng nhè ra, sợ các mùi hay sợ âm thanh có cường độ cao như tiếng máy khoan, máy xay sinh tố… Khi đó, cha mẹ nên đưa con đi khám ở những nhà chuyên môn được đào tạo về đánh giá tự kỉ.
📍Vậy nguyên nhân “gốc rễ” nào khiến trẻ rối loạn phổ tự kỉ?
👉Rối loạn phổ tự kỉ được xếp vào nhóm rối loạn phát triển thần kinh. Tức là, trẻ bị rối loạn chức năng sớm của não, có thể liên quan yếu tố gen do di truyền trong gia đình hay đột biến trong quá trình mang thai, ảnh hưởng đến chức năng căn bản của não bộ như: động cơ xã hội, giao tiếp cử chỉ, giao tiếp mắt, biểu hiện cảm xúc trên khuôn mặt, phối hợp lời nói và cử chỉ... Cha mẹ lớn tuổi sinh con cũng có nguy cơ trẻ bị tự kỉ cao hơn.
👉Thông tin cha mẹ nuôi con không tốt hay ông bà cho cháu coi thiết bị điện tử làm trẻ bị tự kỉ là sự tự gán ghép, cho đến nay chưa có chứng cứ khoa học.
📍Vậy cha mẹ đóng vai trò như thế nào trong việc đồng hành cùng con?
👉Cha mẹ đóng vai trò quyết định trong việc can thiệp điều trị rối loạn phổ tự kỉ ở trẻ em. Nếu cha mẹ chủ động tham gia và đầu tư thời gian, kiến thức, tìm hiểu chơi, tương tác, giao tiếp với con và tìm nhà chuyên môn có kinh nghiệm, can thiệp theo chứng cớ khoa học thì trẻ sẽ có tiến bộ.
👉Ngược lại, cha mẹ không chấp nhận vấn đề của con, không quan tâm, không tìm phương pháp khoa học, cha mẹ mâu thuẫn, gia đình có nhiều căng thẳng, không giao tiếp với con thì trẻ không tiến bộ, có khi còn nặng hơn.
Theo BS. Phan Thiệu Xuân Giang chia sẻ.