Trang chủ Tin Tức Góc phụ huynh

Góc phụ huynh

NHỮNG CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN CHƠI DỰA VÀO KỸ NĂNG CHƠI CỦA TRẺ TỰ KỶ

1. Phát triển kỹ năng ở mỗi mức độ phát triển chơi

Đối với chơi tạo cảm giác: Động viên trẻ thám hiểm môi trường chơi bằng cách củng cố việc cầm và quan sát đồ chơi, rồi thực hiện một số thao tác đơn giản với đồ vật bằng một tay, trong khi làm một cử chỉ khác với tay kia (vd. vịn tủ trong nhà búp bê trong khi mở và đóng cửa).

Đối với chơi quan hệ: Củng cố trò chơi nối kết hai vật hoặc những phần khác nhau của một đồ vật ví dụ: đập các đồ vật với nhau; xếp hàng, cặp đôi hoặc tập hợp những đồ vật cùng loại.

Đối với chơi chức năng: Chơi chức năng đơn giản - Dạy trẻ dùng một đồ vật với một chủ đích vd.đẩy xe tải quanh phòng, chạm cốc để lên miệng như để uống “khà”, cho búp bê ăn...

Chơi chức năng phức tạp – Trẻ được dạy cách thực hiện tối thiểu hai hành động để tạo một tác động vd.đẩy hộp đồ chơi, nhắm mắt và nhấn nút…

Đối với chơi tưởng tượng: Chơi tưởng tượng đơn giản: dùng một đồ vật tượng trưng cho một vật khác, như dùng khối tượng trưng cho xe lửa, ghế tượng trưng cho ngựa...Chơi tưởng tượng đơn giản, hành động trên người khác: ví dụ: cho búp bê uống sữa…

Chơi tiêu biểu bằng cách dùng tối thiểu 2 hành động trên bản thân.Vd: giả vờ rót nước và uống bằng ly; đội nón và đẩy xe tải chứa đồ chơi quanh nhà, chất khối lên xe rồi đổ khối xuống khi xe dừng lại…

2. Phát triển kỹ năng xã hội

Đối với chơi một mình

Nguyên tắc chính là hỗ trợ trẻ tương tác với người khác: Người chăm sóc ngồi bên cạnh trẻ cố gắng gây sự chú ý của trẻ đang chơi bằng cách bắt chước hành động và âm thanh của trẻ, hoặc chơi với một đồ vật trẻ thích và giúp trẻ tham gia chơi khi trẻ đến gần để lấy lại món đồ chơi.Người lớn chơi ở tầm mức của trẻ với những đồ chơi trẻ thích như: Nước/cát, khối, âm nhạc…

Đối với chơi song song: Nguyên tắc chính ở giai đoạn này là giới thiệu trò chơi khám phá và xã hội nhiều hơn. Vd: Chia sẻ sự chú ý liên kết, đáp ứng với những nhu cầu cơ bản, động viên chơi luân phiên.
Ví dụ: Bố trí một cặp người lớn với trẻ ngồi cạnh một cặp người lớn và trẻ khác. Mỗi cặp chơi giống nhau, và người lớn kéo sự chú ý của trẻ qua cách chơi của cặp kia. Khuyến khích mọi cố gắng của trẻ quan tâm và chia sẻ sinh hoạt với cặp kia.

Đối với chơi hợp tác: Được phân ra nhiều bước cụ thể. Một trong những nguyên tắc khi chơi với trẻ tự kỷ ở giai đoạn này là nới rộng nhu cầu tương tác với người khác; động viên sự chọn lựa; tiếp tục nhấn mạnh chia sẻ chú ý liên kết; phát triển kỹ năng đương đầu với việc thay đổi sinh hoạt/chuyển tiếp; và chờ đến phiên.

Ví dụ: Giới thiệu sinh hoạt nhóm như hát/chơi nhạc, chơi nước/cát, trò chơi xây dựng chung. Dùng lời nói đơn giản và/hoặc công cụ nhìn để minh họa những hành động trẻ cần thực hiện trong sinh hoạt, làm mẫu cho trẻ xem . Dùng “rổ xong rồi” để cho trẻ biết khi nào kết thúc trò chơi.