Trang chủ Tin Tức Gia đình và chuyên môn

Gia đình và chuyên môn

Rối loạn giấc ngủ ở trẻ tự kỷ

Khi trẻ khó ngủ

Khỏi phải nói giấc ngủ có ý nghĩa thế nào đối với bộ não (là lúc não bộ nghỉ ngơi, sắp xếp lại, lưu lại vào trí nhớ, sẵn sàng cho việc tiếp thu thông tin ngày mới), nên ngủ ngon, đủ, sâu giấc là rất quan trọng với sự phát triển của con người.

Có một số thứ có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ như sau (mức độ tác động tùy vấn đề của cơ thể từng trẻ):

Thứ nhất là tiêu hóa: ăn uống gần lúc ngủ có thể làm buồn ngủ (do dạ dày co bóp, một khối lượng lớn máu dồn xuống dạ dày giúp tiêu hóa làm giảm máu lên não và các cơ quan khác gây buồn ngủ), nhưng việc tiêu hóa này không như lúc ta thức và làm cho dạ dầy nặng, ấm ách, vài tiếng sau có thể dẫn đến sự khó chịu làm thức dậy ban đêm, ngủ không sâu giấc. Vì vậy nên kết thúc việc ăn uống ít nhất khoảng 3 tiếng trước khi ngủ.

Thứ hai là cơ thể không thư giãn, dễ chịu: có mấy yếu tố:

- Stress: Stress không phải đặc quyền của người lớn, các bạn tự kỷ thậm chí còn stress hơn (nền cơ thể đã nhiều rối loạn lại thêm các áp lực học tập, yêu cầu từ việc can thiệp), tình trạng căng thẳng sẽ làm khó ngủ hoặc ngủ chập chờn, đái dầm ban đêm. Bố mẹ nên quan sát xem con có các biểu hiện stress/quá tải hay không (dễ bùng nổ, nổi cáu, tự kiểm soát kém…) để điều chỉnh các yêu cầu áp lực từ mình đối với con.

- Quá hưng phấn gần giấc ngủ. Bố mẹ  mà biết tin mình trúng Vietlot chắc phải mất ngủ cả đêm chứ đừng nói là khó ngủ. VÌ vậy gần giấc ngủ, cách khoảng 1-2 tiếng thì không nên hoạt động mạnh (sinh ra quá nhiều serotonin - chất này sẽ được giải thích ở dưới), không nên học tập/can thiệp quá căng, không nên có quá nhiều kích thích, đặc biệt là các kích thích liên quan đến thị giác hoặc tiền đình (như chơi game, chạy nhảy, leo trèo…). Chỉ nên hoạt động nhẹ nhàng, nghe nhạc dịu dàng.

- Cơ thể không đủ melatonin (một loại hormone điều chỉnh giấc ngủ). Chắc nhiều bố mẹ đã nghe về melatonin, hoặc thậm chí đã phải cho con uống melatonin liều thấp vì con quá rối loạn giấc ngủ. Melatonin được sinh ra bằng các cách như sau:
+ Serotonin là thành phần chính tạo ra melatonin. Serotonin là chất điều chỉnh tâm trạng (thiếu serotonin là dễ stress, trầm cảm). Serotonin được sinh ra bởi vận động, dù là nhẹ nhàng như đi bộ, hoặc nhờ ánh sáng ban ngày. Vì vậy bố mẹ vẫn thấy cho trẻ đi bộ nhiều là dễ ngủ hơn vì thế. Hoặc nghỉ hè cho con về quê chơi chạy nhảy suốt ngoài trời thì việc ăn ngủ đều tốt lên thì các bạn cũng đã hiểu phần nhiều lý do.
+ Massage trên da cho trẻ cũng làm sinh ra melatonin tự nhiên. Massage bằng tay, đủ chậm và sâu, sẽ làm trẻ bình tĩnh lại (nếu đang quá hưng phấn), ổn định cơ thể, dễ chịu và chìm vào giấc ngủ.

- Thay đổi thời tiết (có bão, chuyển mùa...) cũng làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của nhiều bạn nhạy cảm. Biết điều này để các bạn bình tĩnh chấp nhận việc con khó ngủ vài ngày (có lúc vài tuần/tháng) và chờ đợi thời gian đó kết thúc. Bố mẹ cũng biết để điều chỉnh giảm tải bớt áp lực cho con những lúc này.

Tất nhiên là còn có thể có nhiều nguyên nhân khác nữa (ví dụ nằm sai tư thế ngủ…) làm ảnh hưởng tới giấc ngủ.

Để hỗ trợ thêm cho giấc ngủ bạn có thể thử:

- Ăn/uống thực phẩm tốt cho việc ngủ (ví dụ trà tâm sen)
- Nghe nhạc sóng Delta (là sóng liên quan đến mức độ sâu nhất của thư giãn và giấc ngủ phục hồi), tìm trên youtube rất nhiều.
- Dùng tinh dầu (nhỏ 1 giọt vào mặt sau của gối), phổ biến là mùi oải hương (có tác dụng giảm stress)
- Ngâm tắm nước nóng trước khi ngủ khoảng 1 giờ
- Chú ý nhiệt độ phòng (đa số các bạn tự kỷ phải để nhiệt độ thấp mới ngủ ngon)
- …

Với nhiều bạn tự kỷ đi kèm với trạng thái lo âu, hoảng sợ thường xuyên, thì việc sắp đặt phòng ngủ phù hợp cũng sẽ giúp hỗ trợ giấc ngủ cho bạn ấy. Ví dụ: đèn ngủ nhẹ (tránh màu xanh dương), yên tĩnh tối đa tránh giật mình, không thay đổi gì giữa lúc trẻ bắt đầu ngủ và trẻ tỉnh dậy giữa đêm (có một số bố mẹ muốn tập cho con ngủ một mình nên lúc bắt đầu ngủ thì mẹ nằm cạnh, trẻ ngủ thì mẹ ra để trẻ ngủ một mình, nếu trẻ thức dậy giữa đêm không thấy mẹ thì dễ bị hoảng sợ và không ngủ lại được/không muốn ngủ lại để mẹ khỏi đi ra nữa)…

nguồn: fb chị Ngọc Phạm